Duyên Dáng Việt Nam 26: Dấu ấn của sự đột phá

11/01/2014

Đêm khai diễn Duyên dáng Việt Nam 26 vào tối qua 10.1 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đã gây cảm xúc choáng ngợp cho khán giả, bởi chương trình mang đậm dấu ấn nghệ thuật, dũng cảm đi đến cùng với nghệ thuật bằng những đột phá khác biệt.


Nguyên Thảo trình bày Tình Ca (Phạm Duy)

Chương trình với thâm niên 20 năm đã tạo dựng được một thương hiệu mà khán giả yêu nhạc nào cũng mong đợi để đón xem như một sự kiện văn hóa. Càng ý nghĩa hơn nữa khi Duyên dáng Việt Nam (DDVN) mỗi lần thực hiện còn nhằm gây Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và Quỹ đào tạo nhân tài nước Việt. Với chủ đề Thương quá Việt Nam, năm nay chương trình thật sự mang đến một cái nhìn khác hơn cho những chương trình ca nhạc tạp kỹ khi quy tụ được đông đảo “anh tài đất Việt”.


Nói chương trình khác những chương trình ca nhạc tạp kỹ khác, là một “bước ngoặt với sự thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến nội dung” của DDVN, bởi khán giả đến chương trình không chỉ xem những tiết mục ca nhạc như thường thấy. DDVN còn là show trình diễn nghệ thuật độc đáo kết hợp ngôn ngữ múa, nhảy, xiếc, giọng hát và ngôn ngữ âm nhạc của các nghệ sĩ tài danh.

Cái “tự làm khó” của DDVN 26 là ở chỗ đó! Với tiết mục hòa tấu ngẫu hứng jazz “Đông Tây kim cổ” của nghệ sĩ quốc tế gốc Việt Nguyên Lê, saxophone Trần Mạnh Tuấn, NSND Thanh Hải, nhạc sĩ Đức Trí; những màn trình diễn nghệ thuật nhảy, múa, xiếc “làm chủ” như một tiết mục trên sân khấu, chứ không làm nền cho ca sĩ như trước đây…, khán giả quen xem những show ca nhạc tạp kỹ có thể cảm thấy… chưa quen! Nhưng lồng ghép, dám mạo hiểm giữ lại và tôn vinh những tiết mục như thế trong tổng thể chương trình, DDVN 26 đã làm được một bước tiến đáng ghi nhận. DDVN 26 đã nâng tầm chương trình theo hướng văn minh hơn, phù hợp xu thế nghệ thuật thế giới, khi đời sống nghệ thuật hiện tại, những show diễn riêng biệt, thuần túy về nhảy múa, kịch xiếc… với những nghệ sĩ tài năng, đang dần có chỗ đứng và được một bộ phận khán giả am hiểu, yêu thích nghệ thuật ưu tiên chọn lựa.

Tuy chủ đề có “khoanh vùng” là Thương quá Việt Nam nhưng DDVN 26 vẫn có rất nhiều tiết mục bắt tai, mãn nhãn khán giả để chương trình giữ được màu sôi động, tươi trẻ. Như màn nhảy bốc lửa của Hồ Ngọc Hà kết hợp cùng 30 vũ công “thiện nghệ” nhất hiện nay (xuất thân từ So You Think You Can Dance VN) trong ca khúc Sài Gòn – Sài Gòn. Thu Minh tạo bất ngờ đến phấn khích cho khán giả với màn biểu diễn cháy hết mình ca khúc hip hop “quen mà lạ” Dòng máu Lạc Hồng. Thanh Bùi và bé Ngọc Duy mang đến nét thanh xuân trong cảm xúc dạt dào tình yêu VN qua ca khúc do chính Thanh Bùi sáng tác: My Kool Vietnam. 3 ca sĩ Quang Linh, Elvis Phương, Hương Lan trong tiết mục riêng của mình cũng như phần tam ca Gánh lúa khiến khán giả vô cùng thích thú khi hòa vào không khí lao động ngày mùa ở một làng quê rộn rã… Khán giả đã bị thôi miên với giọng hát liêu trai của Lệ Quyên trong ca khúc Chiều phủ Tây Hồ. Các ca sĩ Đức Tuấn, Thái Trinh, Thùy Chi, Anna Trương, nhóm V.Music cũng tạo được ấn tượng riêng cho các tiết mục của mình.

Không thể không nhắc tới hai giọng ca vàng Nguyên Thảo và Mỹ Tâm trong lần xuất hiện ở DDVN 26. Nguyên Thảo xuất sắc với giọng hát làm hài lòng người nghe ở bất cứ nốt nhạc nào trong ca khúc Tình ca (Phạm Duy) và mới mẻ, trẻ trung hơn khi trình diễn trên nền nhạc mang màu sắc hip hop. Đặc biệt, Mỹ Tâm đem lại cảm xúc khó quên nhất cho khán giả bằng sự chân phương, giọng hát mộc, tinh tế qua bài hát Thương ca tiếng Việt mà nhạc sĩ Đức Trí sáng tác riêng cho DDVN 26, với phần lời được nhạc sĩ Hà Quang Minh viết dựa trên ý tứ bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ. Một cái kết đẹp như mơ, sau 4 màn trình diễn mới lạ, đầy nghệ thuật của ê kíp: biên đạo múa người Pháp gốc Việt – Linh Rateau, nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Việt kiều Mỹ – Tuấn Andrew Nguyễn, đạo diễn xiếc mới Việt kiều Đức – Tuấn Lê, biên đạo múa Tấn Lộc (chỉ huy tổng thể: đạo diễn Tất My Loan).

Nhiều khán giả xem hết chương trình, khi ra về đã chia sẻ cảm xúc bồi hồi và nổi “gai ốc” vì giọng hát như thủ thỉ của Mỹ Tâm trong khung cảnh hơn 80 diễn viên múa gõ nhịp đũa tre chào kết: “Tiếng Việt còn trong mỗi người/Người Việt còn thì còn nước non/Giữ tiếng Việt như ngày nào/Hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau/Lời quê hương ấy lời sắt son“…

Phan Cao Tùng

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140110/duyen-dang-viet-nam-26-dau-an-cua-su-dot-pha.aspx

   Số lần đọc: 2704

Bình Luận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây