Nguyên Thảo: tiếng hát cỏ lạ

Không có vẻ đẹp bắt mắt, không “ra lò” từ guồng máy lăng xê, cũng chẳng phải là một “cô chiêu” có nhiều hậu thuẫn, cô gái đơn độc ấy, chỉ với giọng hát đẹp của mình đã khiến không ít người phải ngỡ ngàng khi nghe lần đầu… Điều gì đã giúp “tiếng hát cỏ lạ” ấy nhận được không biết bao nhiêu lời khen ngợi và kỳ vọng của những người có uy tín trong giới nhạc?

1.
Hoàn toàn vô danh đối với các sân khấu lớn, các cuộc thi, vô danh trên truyền hình và báo chí – bốn “ngả đường đông vui” của các ngôi sao và những mơ ước thành sao.

Phạm Duy, nhạc sĩ của nhiều thế hệ ngôi sao, gọi đó là giọng hát của một “ngôi sao còn ẩn mình”.

Dương Thụ, “nhạc sĩ của các diva”, gọi đó là giọng hát thứ tư ông tìm thấy cho các ca khúc của mình sau Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh.

Và Mỹ Linh, giọng ca số một của nhạc nhẹ VN hiện nay trong sự đánh giá của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, gọi đó là “giọng hát của một ngôi sao tương lai”, một giọng hát mà cô ngưỡng mộ và chọn cùng song ca.

Và còn cả những lời khen tặng chừng mực nhưng không dễ gì có được dành cho giọng hát ấy từ nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Hạnh…

Thật khó tin vào tất cả những nhận xét “sáng chói” khi đối diện với cô gái nhỏ, hơi gầy gò, hơi rụt rè, nhiều năm “độc hành xe ôm” chạy sô không nề hà phòng trà, bar, và cả… đám cưới để kiếm sống, để có tiền mua đĩa nhạc, có tiền học hát

Nhưng khi giọng hát ấy cất lên, bên cạnh “diva” Hồng Nhung, Mỹ Linh, với những ca khúc rất “kén” người hát của nhạc sĩ Dương Thụ, trong đó không ít bài đã được cả Mỹ Linh và Hồng Nhung thể hiện nhiều lần trước đó, nhiều người ngỡ ngàng đến sửng sốt. Một tiếng hát trong mỏng kỳ lạ nhưng dày dặn cảm xúc, vừa thơ ngây vừa từng trải, vừa dịu dàng vừa mãnh liệt. Giọng hát có thể có người thích, có người không. Nhưng điều quan trọng hơn cả, tiếng hát ấy, ngay khi cất lên, đã hát những điều của mình, chứ không hát những thứ người khác thích để rồi bấn loạn trong việc tìm cho mình một phong cách – căn bệnh trầm kha của các ca sĩ trẻ.

Không lộng lẫy, nhưng riêng biệt, tôi gọi đó là tiếng hát của cỏ lạ.

2.
Tôi biết Nguyên Thảo từ nhiều năm vô danh. Và tôi đã nghĩ cô sẽ mãi như thế, bằng lòng với như thế. 16 tuổi rạng rỡ trong đoàn ca nhạc tỉnh Lâm Đồng đi dự hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, rạng rỡ vì tuổi trẻ, vì sắc vóc tuổi trẻ và vì một giọng hát bắt đầu “có gì đó”. Nhưng cuộc sống tỉnh lẻ, những sân khấu ca nhạc lèo tèo tỉnh lẻ và cuộc lo toan kiếm sống trong một gia đình có nhiều éo le, vất vả thế chỗ cho hào quang sân khấu và sự nổi tiếng thường đón chờ những giọng hát trẻ, đẹp, “có gì đó”! Nhiều lần về Đà Lạt, vẫn dò hỏi cái tên Nguyên Thảo. Nghe nói cô vẫn đi hát loanh quanh đâu mấy sân khấu nhỏ, rồi về phụ bán hàng giúp gia đình…, khá nhiều “giọng hát triển vọng” đã lụi tắt dần theo kiểu đó. Nhưng Thảo thì không.

Năm 2003, gom được một số tiền nhỏ, Thảo rụt rè xuống Sài Gòn. Với cô lúc ấy xuống Sài Gòn chỉ nhắm mục tiêu duy nhất: để được học hát (trước đó và trong suốt thời gian ở Đà Lạt cô chỉ hát thuần bản năng). Để có tiền học (từ 2003 đến nay Thảo theo học liên tục cô Mỹ An) và tiền mua đĩa, Thảo chạy sô như điên, từ quán cà phê đến các đám cưới, rồi sau “nâng cấp” dần lên các phòng trà, thu âm theo đủ các yêu cầu. Nhà thuê cũng chạy từ quận này sang quận khác và mì gói từng là thực đơn hàng ngày những khi ít sô. Khi bắt đầu kiếm được tiền từ việc đi hát, tiền lại bắt đầu được gom để thực hiện giấc mơ được hát những gì mình muốn, được hát những gì của mình.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã đi từ lạnh nhạt đến ngạc nhiên và cảm động trước lời đề nghị rụt rè nhưng kiên trì của một giọng hát hoàn toàn vô danh, đề nghị ông giúp “không phải để nổi tiếng, để album bán chạy, để trở thành ngôi sao, mà chỉ để được hát những gì của mình”. Gần hai năm chuẩn bị cho một album đầu tay, dù là album đầu tay của một ca sĩ chưa hề được biết đến, nhưng với nhạc sĩ Dương Thụ và ê kíp của ông (nhạc sĩ Anh Quân và ban nhạc Anh Em), đó là một dự án nghiêm túc không kém gì Khu vườn yên tĩnh (thực hiện cho Hồng Nhung) hay Chat với Mozart (thực hiện cho Mỹ Linh). Nguyên Thảo bị bắt buộc và bị đòi hỏi phải làm việc cho một dự án âm nhạc chứ không phải đi thu gom những ca khúc có sẵn. Album Nguyên Thảo Vol. 1 – Suối & Cỏ (gồm 9 bài hát của hai nhạc sĩ Dương Thụ và Anh Quân, trong đó có nhiều bài viết riêng cho Nguyên Thảo) được thực hiện một cách chuyên nghiệp về phong cách âm nhạc mà ngay các diva, do thời điểm lịch sử, phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện được.

3.
Mọi thứ đều không tự nhiên sinh ra và mất đi. Cao nguyên trong xanh và lộng gió Lâm Đồng, nơi Nguyên Thảo sống quãng đời quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, cá tính của một con người, có trong giọng hát ấy! Những năm tháng vất vả, nỗi buồn và sự cô đơn, có trong giọng hát ấy! Và điều kỳ diệu là những khổ đau mất mát trong đời sống riêng, những vất vả lo toan kiếm sống, những ngày hát đủ loại nhạc, hát với đủ kiểu người nghe vẫn không làm mất đi sự trong trẻo và dịu dàng, thơ ngây và đầy cảm xúc của một giọng hát biết giấu sự dữ dội ở bên trong. Thảo đã hát như thế, không trưng trổ kỹ thuật, không nháo nhào thời trang, lúc này hiếm hoi lắm! Chỉ mong sao sự nổi tiếng (nếu có đến) và những hệ luỵ của nó sẽ không làm mất đi sự rụt rè và thơ ngây, sự trong trẻo và xúc cảm của Nguyên Thảo lúc này (và tôi cũng biết ước mong này quả không dễ lắm!). Để giữa phố đông ồn ào, tôi lại được nghe lời suối & cỏ hát…

“Lắng nghe tôi lời cỏ hát. Lắng nghe tôi hát lời suối hát. Suối trong veo róc rách rừng sâu. Rất non xanh tâm hồn tôi hát. Rất trong xanh suối nguồn tươi mát. Suối long lanh hát với cỏ xanh…”.

Thủy Phạm – P.T.T.T

Nguồn: http://sgtt.vn/Van-hoa/101314/Nguyen-Thao-tieng-hat-co-la.html

  

   Số lần đọc: 3996

Bình Luận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây