Nguyên Thảo – Ngôi sao ẩn mình

Nhạc sĩ Phạm Duy trong một đêm nhạc gần đây, sau phần trình bày rất thuyết phục một ca khúc của ông, đã gọi Nguyên Thảo là “Minh tinh“. Đây là một từ Hán mà nghĩa nguyên gốc của nó có nghĩa là “Ngôi sao sáng“, Nguyên Thảo là ai và có thật sự sáng được như sao?
  

Ca sĩ Nguyên Thảo

Tôi biết Nguyên Thảo chưa lâu, nói cho đúng thì cô tìm đến tôi khi đĩa nhạc đầu tay “Suối cỏ” của cô vừa phát hành, vì nhiều lý do, nhà sản xuất yêu cầu cô đổi bìa đĩa đã sử dụng để phát hành tiếp và tôi là chọn lựa mà nhà sản xuất yêu cầu cô đến gặp và làm việc. Cái duyên gặp nhau này cũng đã được 5 năm.

Nguyên Thảo ngày đầu.

Lúc mới gặp tôi, Thảo rất rụt rè, vừa trình bày ý kiến của mình vừa dò tìm tính ý tôi, như thể sợ làm tôi mất lòng không muốn làm việc chung, cô thận trọng trong giao tiếp, rất dè dặt trong quan hệ, và thường dấu bớt mình đi giữa đám đông, điều mà một nghệ sĩ biểu diễn không hay làm, nên có lẽ vì thế trong mắt tôi Nguyên Thảo luôn luôn cá biệt.

Chúng tôi làm việc cùng nhau ngay sau buổi gặp đầu tiên ấy, cùng tìm hướng cho bộ ảnh cần thực hiện, chúng tôi gặp nhau ở ý tưởng Thảo sẽ lẫn vào đám đông những…bức tương và sống động giữa những thứ tưởng chừng rất người nhưng khô cứng ấy. Chúng tôi đã không gặp may khi không tìm được xưởng đúc tượng nào cho phép chúng tôi chui vào giữa những sản phẩm của họ mà “quậy”, nhưng cũng tìm ra một studio mà ở đó đang thực hiện một bức tượng Phật rất lớn. Tôi đã say sưa chụp cô trên cái nền không bình thường ấy và rất hài lòng với những gì mình có.

Đĩa nhạc của Thảo bán chạy dù bìa đĩa vẫn chưa được thay bằng hình ảnh của tôi thực hiện, cũng vì thế nhà sản xuất thôi không giục Thảo thay bìa nữa, những gì chúng tôi làm chung được xếp lại, gần như thành kỷ niệm riêng vì thật ra, như mọi thứ trên cuộc đời này, cần có thời điểm của nó để xuất hiện, nếu qua khỏi ngưỡng đó, mọi thứ đều trở thành quá khứ, không nên quay lại tiếc nuối làm gì. Chúng tôi thành những người quen như vậy, bỏ qua cái bìa đĩa không thành hiện thực.

Không như những ca sĩ khác từng làm việc chung, những lúc gặp nhau ở chỗ đông người, tôi thích được kéo ghế ngồi chung với Thảo. Qua khỏi giai đoạn thăm dò ban đầu, Thảo sẽ là một cô gái hay chuyện, biết cách lắng nghe và nhiệt thành tiếp nối câu chuyện đang nói. Nguyên Thảo là người mà đàn ông như tôi thích ngồi chung, cô đủ thông minh để làm một cuộc gặp bất ngờ giữa những người quen trở thành một cuộc hẹn thú vị.

Thu mình sống chậm.

Tôi bảo rằng Thảo không phải là mẫu người để sống trong ánh đèn màu sân khấu, cô sống quá tỉnh táo, kìm nén bản thể và cố tình không phơi bản thân mình ra trước truyền thông, điều mà nhiều người khác luôn tìm cách làm ngược lại. Nguyên Thảo có vẻ rất thờ ơ với những gì ngoài âm nhạc, thứ mà cô luôn sống vì, sống cùng khi chọn nghiệp cầm ca, nhưng có lẽ khi đã trở thành người của mọi người như cô đang làm thì việc bị “biết mình nhiều hơn mình biết” dường như là điều khó tránh.

Nên sau một lần thể hiện mình nhiều quá, kể chuyện mình nhiều quá, một bài báo dài sau câu chuyện ấy được đăng trên một tờ báo chuyên viết chuyện bên lề, Thảo thu mình lại , dấu kỹ mấy năm, tránh gặp mọi người, đổi số điện thoại để người ta thôi đừng tò mò thêm gì về cô, ngừng lại những hỏi han có thể khơi lại những nỗi đau cũ. Tôi thấy Thảo cắt tóc, mặc màu đen sau cú sốc ấy, mất tích khá lâu.

Tôi chỉ gặp lại được Thảo trong một lần tình cờ lên mạng và thấy tên cô sáng lên trong danh sách những người đang online, kết quả là sau đó chúng tôi có cả một buổi chiều dài với nhiều câu chuyện tiếp nối trong một quán cà phê đông khách nhất Sài Gòn. Cuộc sống sẽ trôi đi, những phiền lo cũng sẽ trôi đi khi nào ta chẳng biết, rất nhanh thôi, trong câu chuyện chúng tôi nói, Thảo nhắc về cú sốc mà cô gặp phải, còn tôi thì cứ ngớ người, không nhớ ra đó là gì.

Điều có thể nói ở đây là dư luận, truyền thông, những câu chuyện ồn ào… chỉ như những cơn sóng, chúng ập đến làm chân ta đứng chao đi một chút, rồi cũng sẽ qua đi, những cơn sóng khác sẽ đến phủ vùi tàn dư của những cơn sóng cũ, trí nhớ của con người không đủ lớn để chứa hết tất cả những câu chuyện được nhắc, được nói, được viết và nếu ta nhớ được điều gì thì cũng chỉ có mình ta nhớ, còn ngoài kia, người ta sẽ không ai biết ai đã chao đi bao nhiêu lúc con sóng cũ đến. Chả nhớ đâu, bao giờ.

Chỉ còn lại âm nhạc.

Tôi dắt mẹ tôi đi nghe Nguyên Thảo hát nhạc Phạm Duy bởi vì với những người như mẹ tôi âm nhạc ấy là một phần cuộc đời. Mẹ tôi đã nghe và thích thú với phần trình bày của cô, bà bảo xưa giờ không chú ý lắm đến cách người ta hát mà chỉ chú ý đến bài hát, nghe Thảo hát xong, thấy cần phải nghe theo kiểu khác, chú ý đến cảm xúc của người trình bày vì nó mang một câu chuyện mới vào những câu hát cũ, khá thú vị.

Rất may Nguyên Thảo đã không buông xuôi mà lấy âm nhạc làm phao cứu sinh bám vào để sống qua những cơn sóng lớn. Giọng hát và cách trình bày rất thuyết phục của cô ở những ca khúc cũ, cách xử lý bài thông minh mà tình cảm của cô khi hát những ca khúc mới làm cho Thảo là cái tên luôn được những người làm nghề nghiêm túc nhắc đến. Cô xuất hiện đều đặt trên sóng truyền hình và các chương trình lớn suốt thời gian cô được coi là “khép mình”. Nguyên Thảo đã dùng ca hát để cứu lấy mình và những bài hát cô trình bày là điều mà người hâm mộ tìm kiếm chứ không phải là những câu chuyện về cô.

Tôi từng chấp nhận nghe đi nghe lại “Giấc mơ mang tên mình” Thảo hát trên một bản thu âm qua sóng truyền hình, nhòe nhoẹt lỗi âm thanh, vì thật lòng rất nhiều những ca sĩ ngôi sao có, thường thường bậc trung có đã hát lại bài hát ấy, nhưng ít ai có được cái chiều sâu tình cảm mà Nguyên Thảo đã truyền được vào bài hát như cô từng làm. Mà đó chỉ là một trong những ca khúc Thảo trình bày thành công trong suốt thời gian cô ẩn mình, nếu để kể hết những bài hát khác chiếm được cảm tình của khán giả, có lẽ biên tập sẽ phải ngồi cắt bớt bài viết này của tôi đi khá nhiều.

http://www.youtube.com/watch?v=ecxF_6isg_o

Chúng tôi lại gặp nhau, thường xuyên hơn

Năm năm bước chân vào vùng sáng giới biểu diễn, Nguyên Thảo chỉ có một đĩa nhạc duy nhất, còn lại là vô số những bài hát “thu cho người ta để kiếm tiền sống”. Cô có một website riêng hoạt động không hiệu quả lắm và hình ảnh cũng ít được cập nhật, Thảo cần tôi cho các hoạt động nâng cấp hình ảnh cá nhân. Chúng tôi lại lao vào tìm ý cho những buổi chụp ảnh tiếp theo. Và tôi thì đón chờ thêm một bước thành công nữa của Thảo khi chương trình “Không Gian Âm Nhạc” sắp tới chính thức mời cô quay trở lại với một chương trình riêng mà cô sẽ là ca sĩ chính.

Nguyên Thảo có phải là minh tinh như nhạc sĩ Phạm Duy nói không? Tôi bảo là cô xứng đáng với danh xưng ấy, nhưng có điều để ngôi sao ấy tỏa sáng thật sự, Nguyên Thảo cần phải làm nhiều thứ hơn những gì cô đang làm, bớt khép mình lại như cô vẫn thường như thế. Mọi ngôi sao đều có bầu trời riêng, bằng âm nhạc Thảo có vùng trời riêng ấy, nhưng cũng cần phải để cho công chúng nhìn thấy ngôi sao ấy nữa, phải hiện ra, phải được xăm soi kỹ lưỡng, cứ dấu mình thì ngôi sao sẽ tỏa sáng với ai?

Bài và ảnh: Phạm Hoài Nam

(tạp chí OK số tháng 12.2011)

  

   Số lần đọc: 4506

Bình Luận

  1. Ông Phạm Hoài Nam nói nghe thiệt chí lý:

    [i]”Nguyên Thảo có phải là minh tinh như nhạc sĩ Phạm Duy nói không? Tôi bảo là cô xứng đáng với danh xưng ấy, nhưng có điều để ngôi sao ấy tỏa sáng thật sự, Nguyên Thảo cần phải làm nhiều thứ hơn những gì cô đang làm, bớt khép mình lại như cô vẫn thường như thế. Mọi ngôi sao đều có bầu trời riêng, bằng âm nhạc Thảo có vùng trời riêng ấy, nhưng cũng cần phải để cho công chúng nhìn thấy ngôi sao ấy nữa, phải hiện ra, phải được xăm soi kỹ lưỡng, cứ dấu mình thì ngôi sao sẽ tỏa sáng với ai?”[/i]

    Một năm xuất hiện trong dăm ba concert thì không đủ. Dù rằng cô không thích/cần chạy sô hát phòng trà hàng đêm nữa nhưng thiết nghĩ nghệ sĩ nào cũng cần sân khấu và khán giả. Có lẽ xuất hiện hàng tháng như khách mời trong những sô đặc biệt, hay một phòng trà nào đó mỗi cuối tuần chẳng hạn. Để các [i]fan [/i]muốn nghe cô hát thì còn có đường [i]binh[/i]!

    Người ái mộ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây