Tin Tổng Hợp
29.5.2011
Không gian âm nhạc số 2, khán giả đến kín khán phòng Ngụy Như Kom Tum – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia – Hà Nội, phần lớn là những người hâm mộ Tuấn Ngọc. Vé cả hai đêm 28-29/5 đều đã được bán hết trước đó cả tuần. Có lẽ bởi thế, kết cấu chương trình cũng dành phần lớn thời gian cho giọng ca được mệnh danh là tượng đài dòng nhạc trữ tình lãng mạn này. Trong hơn 20 bài hát được phô diễn trước công chúng, Nguyên Thảo chỉ hát riêng 6 bài, song ca cùng Tuấn Ngọc một bài (chiếm 1/3 thời lượng chương trình).
Tuấn Ngọc
20 phút đầu, người nghe chưa thực sự thỏa mãn với Tuấn Ngọc. Cảm giác như anh hát hơi mệt, hơi đuối. Tuấn Ngọc tâm sự, đây là một đêm nhạc khiến anh hồi hộp dù đi hát đã hơn 50 năm. Anh cho biết, ngày 26/5 ra đến Hà Nội, anh và ban nhạc tập liên tục trong suốt ba ngày, trưa 28/5 vẫn phải phúc khảo, về không được ngủ, chỉ kịp thay đồ và đến hát. Một khó khăn nữa cho Tuấn Ngọc: ban nhạc gồm những người còn rất trẻ, quen chất sôi động, cuồng nhiệt của rock hơn là chất lắng của nhạc trữ tình, thời gian để hai bên tìm hiểu, phối hợp với nhau lại quá ngắn, nên khó dẫn đến một sự phiêu linh.
Nhưng khi “bắt đầu nóng máy” theo chữ dùng của chính anh, chàng ca sĩ sinh năm 1948 đã mang đến cho khán giả những bài hát đúng chất Tuấn Ngọc. Bắt đầu từ Bây giờ tháng mấy, Mộng dưới hoa đến Tình Cầm, Tình tự mùa xuân. Đỉnh cao trong đêm nhạc là khi Tuấn Ngọc hát Chiều một mình qua phố, Riêng một góc trời và song ca cùng Nguyên Thảo bài Đồng xanh. Những bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương hầu hết chậm, thể hiện nỗi buồn day dứt trước số phận tình yêu, số phận con người nhưng Tuấn Ngọc lại thích phối lại những tình khúc vượt thời gian này sang điệu swing, funk tạo nên nhịp nhanh, vui. Theo anh, nên đón nhận nỗi buồn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt, vì khóc cũng chẳng được gì và dù hát theo cách nào thì “mọi con đường cũng đổ về La Mã”. Kiểu hát của Tuấn Ngọc đối lập hoàn toàn với Ý Lan, sầu nhưng vẫn nhẹ nhàng phơi phới, không sa vào bi lụy nặng nề. Đây cũng là kiểu hát mà sau này Nguyễn Khang, Quang Dũng, Xuân Phú, Đon Hồ sử dụng. Cái độc đáo của Tuấn Ngọc là anh hát bằng nhịp lơi, nhưng ở những bài có quãng rộng như Chiều một mình qua phố, anh vẫn khiến khán giả phải thán phục bởi âm vực của mình.
Nguyên Thảo
Với Cỏ hồng (Phạm Duy), Giấc mơ thủy tinh (Võ Thiện Thanh) – hai ca khúc mở đầu đêm nhạc, Nguyên Thảo hát như để giải tỏa chính những tâm trạng của mình, diễn đạt tâm hồn mình, kể câu chuyện của mình. Với Thu cạn – một bài hát khó của Giáng Son – Nguyên Thảo thể hiện được một giọng chuyển rất điêu luyện, giọng của cô không những hực lửa bên ngoài mà chinh phục người nghe bằng sức nặng nội tâm rất sâu bên trong.
Lựa chọn sáng tác của những nhạc sĩ trẻ như Võ Thiện Thanh, Giáng Son, Đỗ Bảo, cô biết cách tiết chế để những bài hát mới mẻ này không bị đối chọi lại với những sáng tác trữ tình lãng mạn mà tuổi đời có khi còn hơn tuổi của mình. Nếu Tuấn Ngọc hát Khói bay vào mắt (Smoking in your eyes) của anh bằng tiếng Anh đầy thành thục bởi từng hát nhạc ngoại vào những năm 1960 thì Nguyên Thảo cũng đem tới một Because you love me chuẩn xác và xúc cảm.
Nếu ở Nếu một mai em sẽ qua đời của Phạm Duy, Nguyên Thảo hát mộc với tiếng đàn guitar của Thanh Phương tạo nhiều cảm giác pha trộn thì ở Những khung trời khác của Đỗ Bảo phối theo phong cách jazz cô mặc sức phơi bày tiết tấu cũng như chất phiêu trong giọng ca. Và ngay cả khi thể hiện ca khúc tiếng Anh: Because you love me (Celine Dion), Nguyên Thảo cũng chứng tỏ giọng hát mê đắm của mình.
Song Ca
Cả Nguyên Thảo và Tuấn Ngọc đều có một điểm chung duy nhất là được sinh ra ở Đà Lạt. Nhưng nếu như Tuấn Ngọc – một đàn anh đi trước được hàng triệu triệu khán giả trong và ngoài nước biết và yêu giọng hát từ nhiều năm qua thì giọng ca Nguyên Thảo “khiêm tốn” hơn và nghiêng chủ yếu về những khán giả sành nhạc.
Khác với Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý trong số đầu tiên của Không gian âm nhạc, cùng song ca với nhau đến 3 bài; ở Không gian âm nhạc số 2, Tuấn Ngọc và Nguyên Thảo chỉ hát chung một ca khúc. Thời gian tập luyện ngắn nhưng cả hai tỏ ra khá ăn ý từ cách phân đoạn đến cách xử lý bài hát và cảm xúc. Việc dừng ở một ca khúc là vừa đủ vì nó tạo sự liên kết giữa hai ca sĩ, tạo một món ăn mới cho khán giả trong bữa tiệc âm nhạc, đồng thời không tạo ra sự so sánh với những sự kết hợp ăn ý khác của Tuấn Ngọc như với Thái Thảo, Khánh Hà. Nguyên Thảo trẻ hơn Tuấn Ngọc quá nhiều không chỉ ở tuổi đời mà còn cả ở phong cách và dòng nhạc. Nếu gượng ép sẽ tạo nên sự chênh phô làm hỏng những cố gắng của cả hai giọng ca đẹp.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là Nguyên Thảo – Tuấn Ngọc không chọn song ca Cỏ hồng – ca khúc chủ đề chương trình mà lại chọn Đồng xanh. Tuấn Ngọc hài hước lý giải rằng, anh hát Cỏ hồng khi trai tráng vì còn đủ sức “rước em lên đồi, hẹn với bình minh” nhưng ở tuổi anh bây giờ không leo lên đồi được nữa, nên phải hẹn ở đồng xanh thôi. Chu Minh Vũ – người biên tập cho Không gian âm nhạc – cho biết, Ban tổ chức chọn Cỏ hồng làm chủ đề vì tên Nguyên Thảo và tên Thái Thảo – vợ Tuấn Ngọc đều có ý nghĩa là cỏ; hơn nữa, Cỏ hồng là ca khúc của Phạm Duy – bố vợ Tuấn Ngọc. Tuy nhiên đây là một bài hát dài, bản phối của Nguyên Thảo nhanh hơn bản phối của Tuấn Ngọc nên nữ ca sĩ sinh năm 1980 được lựa chọn là người thể hiện.
MC
Nếu như Nguyên Thảo kiệm lời, ít giao lưu với khán giả, chỉ muốn chuyển tải cảm xúc bằng giọng hát thì Tuấn Ngọc lại rất “chịu khó” trò chuyện, trước mỗi tác phẩm biểu diễn anh đều có những câu chuyện để kể. Cách nói chuyện hài hước của anh cũng làm cho buổi diễn thêm phần thú vị.
Trên một sân kháu giản dị, bé nhỏ, không MC, Tuấn Ngọc dẫn dắt khán giả bằng những câu chuyện của anh một cách hài hước, không khiên cưỡng. Cám ơn bố vợ đã ra Hà Nội tham dự chương trình của mình, cậu con trai nghệ sĩ Lữ Liên dí dỏm: “Với tôi, Phạm Duy là người anh hùng cuối cùng trong âm nhạc. Tôi đi hát ở đâu ông cũng đi theo. Ông rất dễ chịu, ai mời cũng đi, không mời cũng đi nốt… ” Anh nói thêm “Hồi tôi còn nhỏ, mẹ dẫn tôi đi coi bói. Thầy bói nói số tôi vất vả, không có đường may mắn nhưng hôm nay tôi lại thấy mình may mắn. Cảm ơn các nhạc sĩ đã có những ca khúc hay để tôi dựa hơi. Nhân đây tôi muốn cám ơn bố Phạm Duy – đây là sự cám ơn thật lòng vì dù sao tôi cũng lấy con gái bố rồi”.
“Bố đi với con đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy con hát hay như thế” – Phạm Duy hạnh phúc lên sân khấu tặng hoa cho con rể. Tuấn Ngọc tếu táo: “Lần đầu tiên tôi được một người đàn ông tặng hoa“.
Khi thấy chương trình thiếu “lửa”, từ hàng ghế khán giả, Mỹ Linh viết vài dòng và nhờ người ban tổ chức gửi lên cho Tuấn Ngọc. “Anh Tuấn, em Mỹ Linh đây, anh kêu ban nhạc đứng dậy chơi chứ ngồi thế này thì hơi buồn. Anh hát yếu lắm nhé!” – Tuấn Ngọc đọc lời viết và giãi bày: “Cảm ơn Mỹ Linh, em quá dễ thương. Nhưng ban nhạc chưa thuộc lời hết các khúc nên phải ngồi như thế này để chơi. Xin hẹn quý vị dịp khác, ban nhạc sẽ đứng chơi cho quý vị xem“.
Trước khi biểu diễn bài Phôi pha, Tuấn Ngọc chia sẻ: “Trong một dịp về Việt Nam, một số bạn bè rủ đi xem chương trình của Trịnh Công Sơn. Hôm đó, em gái nhạc sĩ này nói tôi hát bài Phôi pha. Mấy tháng sau về Mỹ, tôi nghe tinanh Sơn mất. Khi về Việt Nam tham dự đêm nhạc Lê Hựu Hà, anh Hà yêu cầu hát bài này và mấy tháng sau anh mất. Có quý vị nào can đảm yêu cầu tôi hát bài này không...”
VIP
Ngoài Phạm Duy theo coi con rể hát, và ca sĩ Mỹ Linh, trong hàng khán giả còn thấy có các ca sĩ Uyên Linh, Đoan Trang, Anh Khoa, các người mẫu Thanh Hằng, Xuân Lan, Doãn Tuấn cũng có mặt ở khán phòng Ngụy Như Kom Tum.
Đi một mình, ca sĩ Mỹ Linh đã đứng dậy đại diện chồng khi được ca sĩ Nguyên Thảo gửi lời cảm ơn tới vị nhạc sĩ này cùng với nhạc sĩ Dương Thụ khi đã có sự giúp đỡ cô trong bước đường ca hát thời gian qua.
Hạ Màn
Thỏa mãn là cảm xúc chung của đa số khán giả Hà Nội khi tham dự Không gian âm nhạc số 2. Những tràng pháo tay lớn khiến Tuấn Ngọc hạnh phúc. Anh cho biết, nếu còn sống, chứng kiến việc anh hát ở Hà Nội và được yêu mến đến mức này, chắc mẹ anh sẽ vô cùng sung sướng.
Theo VNexpress.vn và vietnamnet.vn
Số lần đọc: 3834