BBT. Bài này là trích đoạn từ script giao lưu trực tuyến với khán thính giả của nhạc sĩ Dương Thụ do báo VNnet tổ chức vào ngày 21.8.2012.
Điều Còn Mãi 2011
Khán giả 1: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, Vài năm trở lại đây, Điều còn mãi- tên một chương trình âm nhạc, đồng thời cũng đã trở thành một thương hiệu âm nhạc hấp dẫn khán giả. Ông có thể lý giải về điều này được không? Thưa ông, một chương trình dù hay đến mấy, nó cũng cần có một sự đổi mới. Trở lại với Điều còn mãi 2012, xin ông cho biết có những đổi mới nào? Và trong vai trò của Tổng đạo diễn chương trình, theo ông Điều còn mãi ở những năm sau có nên thay đổi gì không?
Dương Thụ: Một chương trình âm nhạc muốn hấp dẫn thì phải làm rất nghiêm túc. Nghiêm túc trong quan điểm của tôi là từ khâu biên tập, luyện tập và khả năng cấu tạo chương trình một cách hợp lý. Tiếp theo, khi trình diễn, chỗ diễn có phù hợp với chương trình, công chúng có phù hợp và cuối cùng âm nhạc là để nghe, nên âm thanh phải rất là tốt. Quan niệm này được gọi là hơi cổ điển và nó chỉ thích ứng với những chương trình kiểu như Điều còn mãi và với những công chúng họ đến nghe nhạc, chứ không phải đến xem nhạc, và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn nhu cầu giải trí. Còn hấp dẫn hiện nay trong quan niệm của nhiều ông bầu sô, của nhiều đạo diễn và nhạc sĩ là những chiêu trò trên sân khấu, yếu tố âm nhạc bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu. Những chương trình này là để xem nhạc chứ không phải để nghe nhạc. Âm nhạc trở thành vai diễn phụ. Những chương trình này đang rất hấp dẫn công chúng hiện nay. Còn đối với Điều còn mãi, chắc chắn là nó hấp dẫn với những công chúng khác. Tôi hi vọng những công chúng thật sự của âm nhạc này mỗi ngày một phát triển. Bởi vì âm nhạc thật sự có giá trị rất lớn lao về tinh thần, nó không phải để mua vui cho chúng ta mà đánh thức trong chúng ta những điều tốt đẹp nhất, những tình cảm cao quý và làm nội tâm của mỗi người nghe trở nên phong phú hơn, sống tốt và có hiệu quả hơn.
Điều còn mãi hấp dẫn còn nhờ tập hợp lực lượng những nghệ sĩ hàng đầu. Từ các solist cho đến dàn nhạc. Về thanh nhạc, chúng ta biết họ đều là ngôi sao ca nhạc, không phải là ngôi sao giải trí như Bùi Công Duy, Trọng Tấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung…và dàn nhạc giao hưởng quốc gia với những nghệ sĩ ưu tú nhất. Họ đến để thực hiện một buổi hòa nhạc, để bộc lộ những cảm xúc âm nhạc và các kỹ năng âm nhạc đỉnh cao của mình, chứ không đến để chạy show kiếm tiền.
Về sự đổi mới, mỗi loại chương trình đều có những đặc điểm riêng. Điều còn mãi là một concert (hòa nhạc), nó không phải là một show diễn. Người ta đến để thưởng thức nghệ thuật, để sống với những ký ức âm nhạc, không đến để giải trí. Nó không phải là một sân chơi nên nó không có các chiêu trò, các mẹo vặt trên sân khấu, điều rất cần cho các show diễn. Show diễn phải luôn luôn đổi mới, anh lặp lại sẽ rất chán, cũng như các bạn đi xem phim mà biết trước cốt truyện. Đạo diễn show mà không hiểu điều này thì sẽ thất bại.
Còn concert là để cho khán giả thưởng thức. Chúng ta biết, một tác phẩm hay người ta có thể nghe rất nhiều lần. Ví dụ như các tác phẩm của Văn Cao, Phạm Duy, thật ra chỉ cần hát một cách nghiêm túc, với một phần hát thật hay, phần đệm thật hay thì không cần phải thêm chiêu trò gì cả, mà người ta vẫn nghe lại nhiều lần. Riêng với nhạc cổ điển như của Beethoven, người ta đã nghe lại hàng triệu lần vẫn được. Đâu có cần phải thay bằng Beethoven khác. Như thế, Concert Điều còn mãi không thể đổi mới về hình thức trình diễn như các bạn yêu cầu, mà mỗi năm các bạn sẽ được nghe các tác phẩm khác nhau. Đấy thì không gọi là đổi mới. Và tôi tuyệt nhiên sẽ không nghĩ tới bất cứ một chiêu trò nào trên sân khấu, vì điều đó là không cần thiết. Và cứ mỗi một chiêu trò sẽ mất rất nhiều tiền, mà chúng ta lại không được Nhà nước cấp kinh phí, phải đi xin các nhà tài trợ, mà chẳng mấy nhà tài trợ thích những chương trình nghiêm túc như thế này. Tiền bạc cực kỳ ít ỏi để làm chương trình nên tất cả các nghệ sĩ đều hi sinh quyền lợi của mình, họ chỉ lấy cát xê tượng trưng bằng 1/10 điều họ có trong một đêm diễn. Nếu nhiều người có lòng với văn hóa âm nhạc nước nhà mà tài trợ thêm được nhiều thì tôi nghĩ tiền đó nên gửi lại cho các nghệ sĩ chứ không để làm những chuyện khác.
Khán giả 2: Thưa nhạc sĩ, Ngày Quốc Khánh là ngày của toàn dân Việt. Thế tại sao ca sĩ hát ĐCM chỉ toàn là ca sĩ miền Bắc? Chỉ có mỗi Nguyên Thảo là người miền Nam, nhưng chỉ được nhắc đến trong bài báo đầu tiên, còn những bài báo sau này phóng viên vô tình hay hữu ý đã bỏ qua. Hai năm liền tham gia chương trình, phần trình diễn của Nguyên Thảo đã gây ấn tượng chỉ có thể nói ngang hàng hay vượt trội chứ không hề thua kém các ca sĩ được gọi là diva, thế thì việc quên tên Nguyên Thảo có phải là cố tình “dìm hàng” cá nhân Nguyên Thảo hay “dìm hàng” cả một tập thể ca sĩ miền Nam? Tôi gần như chắc chắn Vietnamnet sẽ không đăng câu hỏi này, nhưng dù sao ít nhất một người trong số họ sẽ đọc được ý kiến của một khán giả miền Nam. Xin chân thành cám ơn nhạc sĩ.
Dương Thụ: Chương trình Điều còn mãi làm tại Nhà hát lớn Hà Nội, là nơi sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một địa điểm phù hợp để chúng ta tiến hành chương trình Điều còn mãi, một chương trình âm nhạc như là sự đánh thức những gì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, những giá trị thiêng liêng về con người và tổ quốc. Mỗi năm định kỳ một lần tại nơi này là vì thế. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia đóng tại Hà Nội, nơi tập trung những nghệ sĩ hàng đầu VN trong lĩnh vực khí nhạc, nó không phải là một dàn nhạc của miền Bắc. Bùi Công Duy, Xuân Huy là nghệ sĩ violon hàng đầu của VN chứ không phải của miền Bắc. Cô Nguyên Thảo, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trọng Tấn, Đăng Dương..cũng là những nghệ sĩ hàng đầu của VN chứ không phải của miền nào cả. Họ là đại diện cho tất cả chúng ta.
Việc Nguyên Thảo không được nhắc đến trong các bài báo là điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi cảm ơn câu hỏi của bạn vì nó chính là thắc mắc của tôi, cái thắc mắc đối với truyền thông của chúng ta quá thiên vị những show diễn giải trí, những ngôi sao giải trí và quá thờ ơ đối với những chương trình nghệ thuật thật sự, với những nghệ sĩ thật sự.
Như trường hợp đối với cô Nguyên Thảo, khi được bình chọn vào giải cống hiến, chính một nhà báo là một nhạc sĩ công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã đứng lên phản đối, lớn tiếng nói rằng cô ấy không được ai biết đến và rất là tầm thường nên không thể đưa vào giải Cống hiến được. Và nhà báo này còn nghi ngờ có những lý do cá nhân trong ban tổ chức giải Cống hiến. Vậy đối với Nguyên Thảo không có chuyện Bắc – Nam mà là chuyện thờ ơ với nghệ thuật của một số nhà báo viết về âm nhạc trong một số tờ báo. Vì tôi biết trong cuộc bình chọn, số phiếu bỏ cho cô Nguyên Thảo cũng khá nhiều, chứ không phải là hoàn toàn không có. Nhưng rất tiếc con sâu bỏ rầu nồi canh, những nhà báo thờ ơ đã tạo ra sự bất công này, dẫn đến những hiểu lầm. Với tôi, Nguyên Thảo xứng đáng đứng trong top những ca sĩ hàng đầu của VN, xứng đáng đứng bên cạnh Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam. Tôi chọn cô Nguyên Thảo vì điều đó.
Khán giả 3: Lý do gì ông vẫn tiếp tục gắn bó với hòa nhạc Điều còn mãi với 4 lần tổ chức? Điều gì làm ông hài lòng nhất về chương trình này với tư cách Giám đốc nghệ thuật?
Dương Thụ: Điều còn mãi là một cuộc hợp tác tốt đẹp nhất mà tôi biết giữa giới truyền thông và giới nhạc trong việc truyền bá những giá trị nghệ thuật của nền âm nhạc VN tới công chúng. 18 năm trước (1994), tôi đã từng làm kiểu này nhưng là với Hội nhạc sĩ VN. Đó là chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” mà tôi là tổng đạo diễn và trực tiếp biên tập. Chương trình ấy gặp rất nhiều khó khăn chứ không thuận lợi như bây giờ, bởi nó đã thực hiện việc thống nhất văn hóa trong âm nhạc quá sớm. Nó bị chống lại nên mới đi được nửa đường, diễn trọn vẹn 3 đêm ở Hà Nội nhưng không thể vào TP.HCM.
Bây giờ, thuận lợi hơn nhiều và “Điều còn mãi” không chỉ là một chương trình như “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, mà nó là một chương trình định kỳ hàng năm. Năm nay đã là năm thứ tư. Và nó không chỉ có thanh nhạc mà còn có khí nhạc nữa. Vốn liếng âm nhạc đỉnh cao của VN, cả về khí nhạc lẫn thanh nhạc, là rất lớn, chúng ta có thể làm nhiều năm nữa vẫn chưa hết. Giấc mơ của tôi là tiếp tục cùng VietNamNet làm chương trình này cho đến khi nào tôi không còn đủ sức khỏe.
Điều hài lòng nhất khi làm giám đốc nghệ thuật chương trình “Điều còn mãi” là tôi có quyền tự quyết về chuyên môn (tất nhiên về chuyên môn tôi có cả một nhóm tư vấn). VietNamNet rất tôn trọng điều này, đã tạo những điều kiện tốt nhất có thể được để tôi làm chuyên môn. Tôi không bị rơi vào trường hợp như nhiều giám đốc nghệ thuật phải phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của nơi tổ chức và những “đơn đặt hàng” mà họ không mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện. Vì họ thực chất chỉ là những người “làm thuê”. Ở đây, tôi thực sự được làm chủ.
Tôi cũng rất hài lòng vì đội ngũ nghệ sĩ và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia rất ủng hộ những ý tưởng âm nhạc của tôi, họ đã tôn trọng và giúp đỡ tôi rất nhiều. Dù tiền bạc hạn chế nhưng với tất cả điều kể trên, tôi cảm thấy công việc của mình có kết quả, tuy không hoàn toàn thỏa mãn những mong muốn của mình về chương trình. Được làm giám đốc nghệ thuật một chương trình như thế là một hạnh phúc.
Khán giả 4: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ! Tôi cũng như nhiều khán giả khác đang rất mong chờ Điều còn mãi. Với một chương trình lớn và được dàn dựng công phu với nhiều ca sĩ thực lực được yêu mến như vậy như vậy theo tôi nên được thu âm sản xuất băng đĩa để bán ra thị trường cho đông đảo khán giả cùng thưởng thức, tránh thiệt thòi cho một số người không được xem chương trình trên TV. Ngay bản thân tôi dù được xem nhiều chương trình rất hay trên TV nhưng nhiều khi muốn lại rất muốn xem lại, điều này rất khó khăn. Xin cảm ơn nhạc sỹ. Chúc nhạc sỹ sức khỏe.
Dương Thụ: Chương trình có được ghi hình và thu âm. Ước mong của chúng tôi là ra được đĩa để gửi đến đông đảo công chúng trong cả nước, nhưng để làm được điều này phải có tiền. Với số tiền “còm” làm được chương trình như thế là quá may mắn. Chúng tôi cũng đã thử làm chương trình nào cũng có đạo diễn video, chương trình nào cũng thu rất nhiều để làm tư liệu với mong muốn dựng thành DVD. Nhưng đã thất bại vì tiền quá ít nên chất lượng hình ảnh và âm thanh không thể cho ra DVD được. Bản thân tôi nghĩ rằng một sản phẩm đưa đến công chúng phải đạt được chất lượng tối thiểu. Mà xét theo cái tối thiểu của tôi là cũng không thể.
Tôi hi vọng điều này đến được tai những người có lòng đối với văn hóa, với âm nhạc, lại có điều kiện dồi dào về tài chính hỗ trợ kinh phí để đầu tư làm đĩa DVD phát hành cho công chúng. Đây không phải là lời kêu gọi theo kiểu xin – cho. Vì chúng tôi nghĩ rằng việc tốt không phải đi xin và nên được cùng làm. Hi vọng sang năm sẽ có những ai đó hưởng ứng lời kêu gọi này.
Khán giả 5: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1985 vào TP.HCM công tác và lập nghiệp. Mỗi khi nghe nhạc của Anh Dương Thụ, tôi cảm giac thật gần gũi và ấm áp. Khi nào Anh có chương trình riêng nhạc của anh tại Hà Nội?
Dương Thụ: Cảm ơn tấm thịnh tình của bạn. Bắt đầu từ năm nay, sau khi làm rất nhiều chương trình không có mình, tôi sẽ làm chương trình cho mình. Không phải là để tổng kết sự nghiệp của mình, không có mục đích kiếm tiền, mà tôi thấy đã đến lúc có thể chia sẻ với bạn bè, những công chúng yêu nhạc của mình bằng chương trình riêng.
Ngày 9 và 10.11.2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội là đêm nhạc Dương Thụ “Những câu chuyện kể của tôi” với các nghệ sĩ tham gia biểu diễn là những người đã gắn bó với tôi trong quá trình hoạt động âm nhạc: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều, Trọng Tấn, Tùng Dương, ban nhạc Anh Em và dàn nhạc thính phòng Học viện Âm nhạc Quốc gia cùng các nhạc sĩ Bảo Chấn, Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung.
“Những câu chuyện kể của tôi” nhưng tôi không tự kể, nó được các nghệ sĩ kể lại. Mỗi bài hát là một câu chuyện riêng tư. Có những bài hát bạn đã từng nghe và có những bài hát bạn chưa được nghe bao giờ.
Theo http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/84866/duong-thu–cang-khong-hay-ho-cang-noi-tieng-.html