Năm 2010, có thể đếm ra được những chương trình Nguyên Thảo xuất hiện: “Duyên dáng Việt Nam”, “Điều còn mãi”, “Đêm nhạc Phạm Duy”, “Đêm nhạc Dương Thụ”… Rất ít nhưng đều là những chương trình nghệ thuật lớn và ấn tượng dành cho Nguyên Thảo gần như tuyệt đối.
Gặp và uống café với Nguyên Thảo không khó, nhưng để phỏng vấn cô thì không dễ dàng. Thảo không muốn xuất hiện trên báo chí, nhất là cô cho rằng mình làm được ít thì không nên nói nhiều. Chỉ bấy nhiêu thôi, hẳn mọi người đã hình dung ra một phần tính cách của giọng ca đẹp đẽ này.
Nguyên Thảo trong Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” (2-9-2010)
Nếu so với công việc của một ca sĩ bình thường thì sự xuất hiện năm qua của chị là quá ít. Vậy quan điểm của chị về việc chọn chương trình để xuất hiện?
Nếu nói về tiêu chí để tôi chọn lựa việc biểu diễn thì hơi quá, bởi không phải chương trình nào ở Việt Nam này họ cũng mời tôi hát, để tôi có cơ hội lựa chọn. Nhưng tất nhiên, khi được mời hát, tôi cũng để ý xem chương trình nào tốt, chương trình nào có giá trị về mặt nghệ thuật… thì chắc chắn tôi không từ chối. Thực ra tôi suy nghĩ mọi chuyện nó đều rất đơn giản, có nhân quả của nó. Khi tôi đã chấp nhận mình đi theo một dòng âm nhạc, một tiêu chí nhất định về mặt nghệ thuật, thì tôi không mơ đến những chương trình giải trí khác nhớ đến mình. Còn số lượng những chương trình có tiêu chí âm nhạc giống như tôi, thì cũng đâu có nhiều để chọn lựa. Thực ra dòng âm nhạc nào cũng đều có giá trị cả, tôi không lên án bên nào hết. Nhưng đã chọn lựa thì phải biết vui vẻ chấp nhận.
Nhưng phải công nhận rằng, chị xuất hiện rất đáng, rất ấn tượng cho dù những chương trình đó không thiếu những tài năng và ngôi sao khác. Song tôi băn khoăn rằng, chị xuất hiện ít thế thì chỉ một lượng khán giả rất nhỏ của từng chương trình biết đến chị. Cơ hội để chị đến với mọi người ít quá?
Thì cũng nói thật rằng, biểu diễn ít thì cũng buồn. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng cuộc sống cái gì cũng có hai mặt cả. Tôi đã chọn lựa con đường của mình thì phải tôn trọng nó. Nhưng tôi luôn suy nghĩ rằng, quan niệm về thành công của mỗi nghệ sĩ là khác nhau. Đa số thì coi việc có nhiều khán giả, nhiều fan hâm mộ là thành công. Nhưng quan niệm về thành công của tôi nó khác. Điều quan trọng nhất với tôi là sau mỗi đêm hát, mình đã đọng lại được điều gì, lượng khán giả ngồi lại nghe mình hát là ai. Và bản thân tôi mong muốn gì từ phía khán giả của mình nữa… Có thể lượng người nghe tôi hát còn rất ít, nhưng phải suy nghĩ rằng mình được cái này sẽ mất cái kia. Nếu bây giờ tôi thay đổi, chạy theo hướng kiếm tìm số đông khán giả, thì cái đích đến của tôi sẽ khác hiện giờ.
Chị có thích lời khen tặng không?
Ai mà không thích
Nhưng đâu mới là những lời khen tặng có giá trị đối với chị?
Thực ra tôi, lời khen luôn có giá trị nhưng nó không đọng lại lâu và sâu sắc đâu. Những lời động viên “Ồ, em hát hay quá!” cũng làm tôi vui nhưng qua rất mau. Lời khen tặng có ý nghĩa nhất chính là sau từng bài hát, mọi người đến nghe đều hài lòng, mọi người thích mình thật sự, không cần bằng lời nói đâu mà bằng cả những sự im lặng lắng nghe, vỗ tay có thể cũng còn chậm nữa.
Đâu là đối tượng khán giả trọng tâm chị hướng tới?
Làm sao mà khẳng định được khán giả. Anh là khán giả, anh cũng thể thích nghe Nguyên Thảo hát bài này, Mỹ Tâm hát bài kia…, đó là một sự tự nhiên của mỗi người. Tôi cũng không thể khẳng định được lứa tuổi nào sẽ yêu mến tôi, vì sự trưởng thành của mỗi người là không có tuổi. Người này mới 17 thôi đã rất chín chắn nhưng người kia 70 tuổi mà vẫn chưa lớn về tâm hồn… Mọi chuyện nó giống như việc dò sóng radio vậy, trúng đài thì anh nghe thôi. Khán giả, tôi luôn nghĩ không có một điểm chung nào cả, họ có quyền tự do lựa chọn. Có thể một bác nông dân cũng cảm được và yêu thích bài hát của tôi. Tôi không thích và cảm thấy không cần thiết phải đặt ra giới hạn cho mình, tự nhốt mình vào như thế hóa ra tự mình lại đánh mất đi những màu sắc của cuộc sống.
Cái cách mà chị đang tồn tại trong showbiz như thế rất khác biệt. Chị có cố tình tạo ra sự khác biệt đó trong lối sống hay đó là nhu cầu của cá nhân?
Nó không phải nhu cầu cá nhân hoàn toàn. Tất cả người bước chân vào showbiz đều mong đợi sự thành công và thành đạt cả thôi. Nhưng đôi khi, nhiều yếu tố mang tính quyết định trong công việc sẽ tác động đến vấn đề thời gian. Có thể có người vừa có tài, vừa có may mắn nên khi bước vào nghề là có thể thành công ngay. Nhưng cũng có người phải chờ đợi rất lâu, và đầu tư nghề nghiệp cũng rất lâu mới thành công, thậm chí cũng không thể thành công được cũng nhiều lắm. Và đổi lại tất cả cho thành công ấy là những cái giá phải trả cho mỗi người. Nếu anh chọn một cái giá phải trả ở mức an toàn, thì mức độ thành công cũng chỉ an toàn thôi. Tôi chọn cụ thể cho mình một dòng nhạc mà biết chắc thành công sẽ đến rất chậm, nhưng sẽ bền vững được cho mình và cho cả khán giả. Điều tôi muốn nói đến vẫn là quyết định của mỗi người. Hơn nữa đến thời điểm này tôi tin vào cả sự may mắn và thời thế của từng nhân vật nữa.
Tôi nghĩ chị cũng đã gặp thời đấy chứ!
Vậy anh định nghĩ là tôi không gặp thời sao?
Tại tôi thắc mắc rằng, chị đã có một khởi đầu rất hoàn hảo, mọi người đánh giá tốt thế mà sau đó thấy chị lại chững lại và không bật lên hẳn?
Tôi thì thấy thế này. Bây giờ, hầu hết các ca sĩ lo lắng hình ảnh của mình hơn chuyên môn. Tôi không nói đến các anh chị đi trước đã có vị trí. Số còn lại hầu như đầu tư rằng làm sao để được lên truyền hình, được lọt vào các chương trình được nhiều người chú ý đến mình… hơn là đầu tư vào sản phẩm. Bật lên một vị trí nào đó cao hơn là sự lựa chọn của đa số, nhưng không phải là lựa chọn của tôi.
Có đồng nghiệp nào thắc mắc với chị về sự lựa chọn ấy không?
Không.
Nhưng cuộc giao tiếp với đồng nghiệp, chị sẽ trao đổi điều gì?
Thực lòng, tôi rất kém trong việc giao tiếp. Tôi thích nhìn mọi người làm việc hơn là nói chuyện. Tôi thích nhìn vào những người làm việc nghiêm túc như chị Hồng Nhung, chị Mỹ Linh… Họ là những người quan tâm đến sản phẩm hơn là việc chăm sóc hình ảnh, không nhất định là cứ phải một năm ra một album.
Vậy chị có nghe nhạc của đồng nghiệp không?
Anh đã hỏi thì tôi nói rất thật lòng là tôi nghe nhạc nước ngoài là chính. Nhưng nhạc Việt Nam tôi vẫn nghe, tôi nghe để biết mọi người đang hát cái gì, làm việc thế nào. Việc nghe ấy đủ để tôi quan tâm đến những diễn biến đang xảy ra trong ngành nghề của mình.
Chị có điều gì ấn tượng từ những sự quan tâm ấy?
Tôi thích cách làm việc của Hồ Ngọc Hà. Cách cô ấy sống và cách cô ấy làm việc rất tích cực để đạt được thành công. Cố gắng hết mình, có thể nói Hà sống tích cực và suy nghĩ tích cực. Tôi nghĩ, giới trẻ nên như vậy.
Chị nói nghe như chị đã già rồi vậy. Nhưng lứa nghệ sĩ của chị vẫn đang được nhiều người trông đợi là một thế hệ mới. Vậy cá nhân chị thì trông đợi vào ai?
Tôi nhận xét như vậy hoàn toàn trong vị trí của một người quan sát, chứ trên tôi nói rồi đó, tuổi tác không đi đôi với sự chín chắn. Còn về thế hệ mới mà anh đang nói tới, tôi nghĩ mọi sự vẫn chưa rõ ràng đâu. Thời điểm này đang là một bước xoay chuyển tình thế theo chiều hướng tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều giọng hát hay, thậm chí tôi nghĩ rằng trong tương lai gần sẽ có những nhân tố vượt cả những diva. Tất nhiên, không phải là ngay bây giờ.
Về âm nhạc, ngoài những tác giả tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ… chị còn hứng thú với những tác giả nào?
Thích nhiều chứ. Tôi thích nhạc của anh Đức Trí. Nhưng thích thì thích vậy chứ không thể thích gì thì cứ quơ vào mình được. Có những thứ mình thích nhưng không phải thứ mình cần. Còn thứ mình cần là thứ mình đang hướng mình làm việc. Nhưng con người mà, đâu phải lúc nào mình có biết đích xác, thứ mình cần nó là cái gì đâu.
Ngoài Đức Trí, còn những tác giả như Đỗ Bảo, Giáng Son… chị đã thu thanh rất hay cho những album riêng của họ đấy chứ?
Riêng với anh Đỗ Bảo thì tôi có duyên và quen biết với anh ấy. Từ thời tôi còn đi hát phòng trà cũng rất hay hát bài của anh Bảo. Tôi thích Đỗ Bảo lắm, anh ấy thông minh và đàng hoàng. Âm nhạc thì có phần ca từ rất đẹp và sâu sắc, nhưng có vẻ như nó hơi nặng nề so với tôi. Có thể ca khúc của Đỗ Bảo nó chở nhiều thông điệp quá, nên người hát phải gồng gánh hơi mệt một chút… Nhưng nếu không như vậy thì đã không phải Đỗ Bảo!
Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cách đây 5 năm, khi chị ra mắt album đầu tiên “Suối cỏ”. Khi đó mọi người cho rằng chị là một cái bóng của diva Mỹ Linh bởi chị hát nhạc của bộ ba Dương Thụ – Anh Quân – Huy Tuấn. Tôi muốn nghe chính chị nói về những nhận xét đó?
Đúng là ngày đó tôi nhận được nhiều phản hồi như vậy, chắc chắn là riêng tôi phải ghi nhận rồi. Không thể nó không có điều đó mà người ta lại nói có cho mình. Tôi ghi nhận và nếu đã biết nhược điểm sẽ phải tìm cách khắc phục. Không ai muốn làm cái bóng của ai cả, nhất là trong âm nhạc, cái tôi lại càng phải rõ ràng sâu sắc. Nhưng để nhìn lại câu chuyện này, tôi thấy rằng bản thân tôi lớn lên trong thời kỳ âm nhạc của chị Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đang rất rực rỡ. Những cái tôi đã nghe vô tình nó thẩm thấu vào trong mình. Sau đó, bước vào nghề tôi lại hát chính dòng âm nhạc ấy, lại cũng tác giả ấy, người phối khí ấy… Quả thực khó mà thoát ra được. Bởi chính tác giả, nhạc sĩ hòa âm cũng đâu dễ vượt qua chính cái bóng của bản thân mình. Sự trùng lặp từ hòa âm, bài hát cho đến giọng hát, mỗi thứ có một chút xíu thôi nhưng cộng hưởng lại gây ra cảm giác như vậy ở người nghe.
Mỹ Linh thực tế có phải là một mẫu nghệ sĩ mà chị thích?
Tôi nghĩ rằng Mỹ Linh là một người tốt. Tôi thấy chị ấy rõ ràng là một đàn chị, không chỉ trong cách chị ấy quan tâm đến tôi mà tôi nhìn thấy cả với Khánh Linh chẳng hạn, chị ấy cũng đối xử rất đàng hoàng và trong sáng. Hơn nữa, chị Linh còn là một người mẹ rất tốt, luôn làm trọn trách nhiệm với gia đình. Đó là một mẫu người đầy nghị lực
Thực tế giữa chị và Mỹ Linh có tương đồng điểm gì không?
Tôi không biết, có lẽ tôi không nhìn được bản thân mình.
Mỹ Linh không tiếc lời khen ngợi chị. Trần Thu Hà cũng không giấu yêu thích giọng ca của chị?
Họ là đàn chị đều có thành công lớn nên được họ lắng nghe bài hát của mình đã là một may mắn. Tôi không có ý kiến gì
Tôi nói vậy bởi tôi băn khoăn liệu chị sẽ đi con đường đẹp đẽ an toàn của Mỹ Linh hay chênh vênh mạo hiểm như Trần Thu Hà?
Không đẹp đẽ như chị Linh mà cũng không chênh vênh như chị Hà, vì tôi hướng đến điều khác. Sự thành công tôi luôn nghĩ để đạt được sẽ rất khó khăn. Hơn nữa dòng nhạc mà tôi theo đuổi cũng khó khăn như chị Hà vậy. Nhưng tôi thấy âm nhạc chị Hà chọn còn khó khăn hơn tôi rất nhiều. Nhưng thời thế của chị ấy thật may mắn, có những nhạc sĩ làm âm nhạc rất hay. Còn tôi, dòng nhạc tôi đeo đuổi ấy thực ra chưa định hình. Nếu qua một album để nói ngay về một con đường thì không đúng đâu, bởi tôi vẫn đang tìm kiếm
Suốt vài năm qua, tôi thấy quá quen với những nhận xét và kỳ vọng về chị. Chính chị, đó có phải là một áp lực?
Áp lực thì lúc nào cũng có cả. Với tôi, thành công trong sự nghiệp được thì tốt. Còn thành công hay không là phải biết chờ đợi. Dĩ nhiên, tôi phải cố để đạt được điều đó bởi tôi muốn mình là người hát hay và thành đạt.
Chị đang chờ đợi cái gì cụ thể, thời cơ hay nhân sự?
Cả con người và cả thời cơ.
Trải qua chừng đó thời gian chờ đợi, chị có thấy rằng trong suy nghĩ và trong thực tế là hai điều khác hẳn không?
Tôi suy nghĩ tích cực lắm. Nếu mình cố gắng một cách tà tà thì thành công sẽ tà tà thôi. Nếu cố gắng hết sức thì sẽ có thành công, mặc dù có thể thành công ở một mức độ nào đó thấp hơn mức độ thành công đến với những người khác cũng cố gắng, cũng có tài năng mà lại còn có thêm cả những sự may mắn nữa. Và tôi biết chắc răng, nếu không cố gắng thì sẽ chẳng có thành công nào cả. Cái thời kỳ âm nhạc chỉ cần có giọng hát mộc, có thêm tình cảm dạt dào là thành công qua rồi. Bây giờ còn rất nhiều yếu tố nữa ngoài giọng hát để đánh giá thành công của một ca sĩ. Đó là khả năng về âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc và cả sự làm việc tích cực để đạt được thành công đó nữa. Tôi không đặt mốc sự nổi tiếng là thành công. Nếu hát hay, nhiều người xúc động, sự nổi tiếng sẽ tự đến. Còn thành công là một điều hoàn toàn khác.
Bạch Vân (thực hiện)
Theo http://khonggianamnhac.com