“Một người nghệ sĩ luôn cần cảm giác đó, để hiểu rằng mình phải luôn luôn nỗ lực hơn, bởi với nghệ thuật – có ‘tốt’ bao nhiêu cũng là chưa đủ”.
Phủ nhận những ý kiến cho mình là “chảnh” vì không nhận nhiều sô diễn – Nguyên Thảo, giọng ca Đà Lạt – vẫn cho rằng ca sĩ nên biết “sợ” việc chiếm lĩnh sân khấu theo kiểu lấy “lượng” chứ không tập trung vào “chất”, bởi “một người nghệ sĩ luôn cần cảm giác đó, để hiểu rằng mình phải luôn luôn nỗ lực hơn, bởi với nghệ thuật – có “tốt” bao nhiêu cũng là chưa đủ”.
“Suối và Cỏ” – album Vol 1 ra đời cách đây 5 năm nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với không ít người nghe về một giọng ca đầy nội lực, Nguyên Thảo rõ ràng đã để lại một dấu hỏi khá lớn khi im lặng suốt cả một thời gian dài sau khi sản phẩm đầu tay ra đời?
– Không ra album không có nghĩa là biến mất, tôi vẫn hát, nhưng chính vì theo đuổi một dòng nhạc kén người nghe và kén cả người thực hiện nên hết lần này đến lần khác “hò hẹn” với Vol 2 lại bị lỡ bởi đối tác có công việc riêng.
Thật ra để sản xuất một đĩa nhạc không khó, nhưng cái tôi cần là những người có chung tư duy nghệ thuật lẫn sự đồng điệu về cảm thụ tâm hồn để làm ra những sản phẩm mà chính mình và bè bạn cũng muốn nghe, và tôi dùng thời gian chờ đợi những tri kỷ trong âm nhạc để tự mình hiểu mình hơn, hoàn thiện mình hơn.
Không có nhiều ca sĩ Nam ít xuất hiện ở Bắc mà lại được khán giả chào đón như Nguyên Thảo trong đêm “Cỏ hồng” – Không gian Âm nhạc II tổ chức tại Hà Nội? Điểm giao thoa đồng cảm giữa nghệ sĩ và người nghe ở đây là gì?
– Chậm, và kỹ! Là người sinh ra ở vùng đất phía Nam, trưởng thành và hoạt động tại thị trường âm nhạc lớn nhất nước là Sài Gòn, thế nhưng tôi luôn có cảm giác mình phù hợp với những sân khấu Bắc – nơi mà người làm nhạc vẫn nhiều máu “chơi” nhạc hơn!
Âm nhạc tại Sài Gòn tráng lệ và quy mô, nhưng nó quá chuyên nghiệp nên đôi khi làm người hát mất đi cảm xúc hồi hộp và run rẩy – điều rất cần cho ca sĩ để biết rằng mình không hề chai sạn. Đó cũng chính là lý do tại sao thời gian gần đây tôi hầu như không đi hát ở phòng trà, dù đó là nơi dễ kiếm tiền. Ban nhạc phòng trà quá thành thạo kỹ năng đến mức như những thợ chơi nhạc hàng đêm, mà một người hơi trầm như tôi vẫn mong muốn có những gì được đầu tư cho riêng mình hơn, còn hát là còn phải “kén” sân khấu, để giữ cảm xúc cho khán giả, và cho chính mình.
Vậy cái “cho riêng mình” sau 5 năm dư âm “Suối và Cỏ” sẽ là gì?
– Một album nhạc Trịnh Công Sơn và một album làm hoàn toàn theo phong cách mới cộng tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Không phải là “tắc kè hoa” để mỗi album phải là một lần thay đổi phong cách, nhưng 5 năm đủ để tôi nhận ra rằng mọi thứ của mỗi con người đều có tính thời gian và thời điểm, cái gì làm lần đầu tiên cũng để lại cảm xúc khó quên nhất; lần sau có thể nhuần nhuyễn hơn nhưng đó là sự lặp lại chứ không còn rung động.
Tuổi trẻ, sống trong một thị trường sôi động, nhưng Thảo làm không ít người ngạc nhiên khi chẳng hề biết những kỹ năng đơn giản nhất để phục vụ cho một cuộc sống cần tốc độ như lái xe máy, thậm chí không điều khiển được cả xe đạp? “Sống chậm” như phụ nữ truyền thống chăng?
– Ai cũng nghĩ tôi nhút nhát và ít giao tiếp là muốn nép mình trong nhà, thật ra không phải vậy! Tôi chỉ thích một vài cá tính của mẫu người phụ nữ truyền thống như ăn nói mực thước, không nhậu nhẹt, không chửi thề… chứ không phải định sống như họ. Trên thực tế, tôi là một phụ nữ hiện đại, mà cá tính đầu tiên của người phụ nữ hiện đại là độc lập; không biết đi xe máy hay xe đạp và ôtô thì kiếm tiền đi xe ôm, đi taxi… miễn sao không làm phiền người khác là được…
Vũ Quỳnh Hương thực hiện
Theo http://khonggianamnhac.com