Nguyên Thảo cần may mắn trong âm nhạc

Có khi nào bạn tự hỏi, những gì bạn muốn thực sự cần thiết cho mình? Nguyên Thảo thì có đấy. Cái tư duy sống thế nào để hợp lẽ, hợp mọi người nhưng quan trọng nhất là hợp với chính con người mình thường trực nơi cô. Cô mang nó vào âm nhạc, vào mỗi dự án ấp ủ.

Ấy thế mà, đã 6 năm sau album đầu tay, thời gian trình làng CD thứ hai trong sự nghiệp ca hát vẫn còn bỏ lửng. Khán giả yêu mến giọng hát trong trẻo – hát buồn hay vui vẫn cứ thanh thản, phơi phới – mong đợi, muốn nghe Nguyên Thảo hát. Còn cô cứ loay hoay “gõ đúng cánh cửa mình cần”.

Loay hoay cùng Nguyên Thảo trong buổi chiều cuối tuấn Sài Gòn nhẹ nhàng, miên man từ Whitney Houston đến nhạc Việt, rồi chuyển sang cuộc “đối thoại với Thượng đế” (CD mà Thảo kết hợp làm cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh)… bỗng dưng bạn cũng muốn tìm đúng thứ mình cần trong cuộc đời.

Lúc hay tin danh ca Whitney Houston qua đời, chị thế nào?

– Buồn. Và tiếc. Lúc trước, khi Michael Jackson ra đi, cũng thấy tiếc. Nhưng lần này buồn nhiều. Nhìn nét mặt của bà những năm gần đây, tôi thấy sự mệt mỏi. Người nghệ sĩ đôi khi tự mang vác nỗi cô đơn cho mình nên đời sống cũng khổ theo.
  

Hãy cho tôi một khoảnh khắc trong cuộc đời, khi tôi vẫn đang chạy đua cùng số phận” (lời bài hát One Moment In Time của Whitner). Ở chị dường như không cho thấy cảm giác chạy đua?

– Không chạy nhưng đi. Vẫn đi và hát. Người ta ra CD hằng năm, hay 2 năm một lần, còn mình 6 năm rồi không có thêm album vẫn được mời hát, vẫn còn xuất hiện được. Vậy là hay rồi. Vội vàng quá không tốt. Nhất là với sự nghiệp. Tôi chuộng thái độ thận trọng, kỹ càng trong công việc.

Chị lý giải việc quá từ tốn mà bản thân vẫn còn được nhớ mặt đặt tên thế nào?

– May mắn. Cuộc đời này lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn. Tôi nghĩ nó chiếm đến 80%. Bạn có giọng hát, bạn có điều kiện vật chất nhưng thiếu may mắn, có thể bạn sẽ không làm được gì cả. Thượng Đế bảo rằng, khi tất cả cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa mở ra. Cái chính là bạn có may mắn gõ đúng cánh cửa đó hay không?

Từ bao giờ, chị trở nên duy tâm?

– Cuộc sống luôn vận hành. Quan niệm sống con người theo đó biến đổi. Ở tôi, tư duy thay đổi rõ hẳn khi đọc được cuốn sách “Đối thoại với Thượng Đế”. Về mọi thứ, sự sống, con người. Đến mức, tôi nghĩ phải đưa nó vào âm nhạc.

Có thể hiểu như một cuộc diễn dịch sách bằng âm nhạc?

– Không hẳn như thế. Cuốn sách là ý tưởng. Một cuộc đối thoại mà đôi khi không thể trao nhau những gì cụ thể. Bạn có mường tượng, mình sẽ nói gì khi đối mặt Thượng Đế. Ước mơ, lẽ sống, nỗi vui, niềm khao khát… Đôi khi là rất nhiều, nhưng có thể chỉ là vô ngôn. Nhìn nhau và cảm nhận. Cuộc đối thoại của tôi là sự đồng cảm khi nghe, khi cảm thấy giai điệu và chút gì đó từ lời ca tan chảy trong người.

“Khách hàng là Thượng Đế”. Ngay cả khi họ mở nhiều cảnh cửa cho chị lựa chọn, chị vẫn chần chừ bước vào?

– Tôi biết một số khán giả của tôi vẫn nóng lòng chờ. Tôi cũng nóng lòng và đang tích cực gõ cửa mỗi ngày đấy chứ. Nhưng tôi rất rạch ròi giữa cái mình muốn và cái mình cần. Anh có thể hát nhiều thể loại nhạc, nhưng dòng nhạc anh chọn có cần cho gu thẩm mỹ âm nhạc của anh không? Bạn nhìn người ta bước lên xe sang, đôi khi bạn cũng muốn đấy, nhưng bạn có thật cần một chiếc xe không?

Chị hát vì khán giả hay vì sở thích?

– Âm nhạc phải do tôi chọn, thấy thích thì mới làm được. Giống như trò chơi may mắn 1 ăn, 1 thua vậy. Sản phẩm mình cẩn trọng làm ra, đáp ứng đúng thị hiệu của một phần khán giả thì càng bảo vệ được sự yêu mến của họ. Tôi có lòng tin những ai đã thích tiếng hát của mình sẽ có đồng cảm với thể loại tôi chọn.

Cho dù nó xa rời số đông vốn là yếu tồ cần để đẩy một tên tuổi lên hàng đầu?

– Thì phải chấp nhận thôi. Cái chính là thị trường âm nhạc hiện giờ có phù hợp để giới thiệu sản phẩm của mình hay không. Tôi sợ album của mình nhanh chóng rơi vào quên lãng, và không muốn thành quả của thời gian dài đầu tư nghiêm túc ít được đón nhận.

Chị đang bi quan về thị trường nhạc Việt?

– Tôi thấy thị trường bây giờ hay đấy. Có những lớp kế thừa và thu hút người nghe. Làn sóng trẻ bây giờ định hình khá rõ, xuất hiện và kế thừa lớp anh chị đi trước. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cái chưa được là thị trường nhạc không phân khúc rõ ràng. Có cảm giác như mọi người đang nghiêng hẳn về pop. Phần đất dành cho rock, jazz, classic… ít quá. Tôi thì muốn âm nhạc màu sắc hơn, cho khán giả có nhiều lựa chọn hơn.

Có cách nào để giải quyết tình hình này, theo chị?

– Chúng ta cần những ca sĩ học hành bài bản. Đa phần hiện nay là tay ngang xen vào, nên sự biến hóa về thể loại nhạc không nhiều. Khi bạn có nền tảng vững, có học thuật, bạn dễ dàng pha trộn cho âm nhạc của mình thêm màu sắc. Thí dụ cùng là màu tím, nhưng tím có nhiều sắc thái khác nhau. Anh hát pop, vẫn có thể khéo léo pha trộn tí jazz, tí rock… Một khi đã như thế, khán giả cũng tự động phân khúc rõ theo thể loại. Nền âm nhạc, theo đó chuyên nghiệp và phát triển hơn.

 

Đỉnh Yên

[Bản chưa bị cắt như trên Elle Mag số tháng 3/2012]

Theo http://nhieuhuy.blogspot.com.au/2012/03/nguyen-thao-can-may-man-trong-am-nhac.html

   

   Số lần đọc: 3703

Bình Luận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây