Dáng người thanh mảnh, hơi lù khù, cách nói chuyện cũng… “lù khù”, thẳng thắn, Thảo là cô gái ngoại giao kém. Lẽ thường, đó là sự nguy hiểm cho một ca sĩ, nhưng với Nguyên Thảo lại hợp lý, bởi đích đến của cô không phải Diva hay ngôi sao, mà chỉ là hát đúng thể loại mình thích, chỉ cần có khán giả là được.
– Khi cái tên vẫn còn trong “bóng tối”, mỗi ca sĩ có những gian truân khác nhau. Gian truân lúc đó của chị là gì?
– Tôi cảm thấy mọi thứ bình thường. Những chuyện như ca sĩ giật sô, giành giật giờ diễn… cũng không gây bất ngờ. Bởi trước khi đến TP HCM, tôi đã xác định mình phải chấp nhận điều đó, nên mọi việc đều trở nên dễ dàng với tôi hơn. Ngay cả lúc này, tôi vẫn cảm thấy có nhiều áp lực. Áp lực về cách xã giao, cách giao lưu trên sân khấu, vì tôi là người rụt rè. Nhưng tôi cũng thấy bình thường. Bởi cuộc sống là như vậy, phải có áp lực.
Tôi đã cố gắng hát rất nhiều để kiếm tiền làm album. Ở Đà Lạt, tôi hát ở vũ trường, nhưng hát ít và hầu như là lip-sync. Năm 2003 xuống TP HCM, đầu tiên tôi hát sô đám cưới với cát-xê 30.000-50.000 đồng, rồi đi hát các bar, sau đó chuyển sang phòng trà. Cuối cùng tôi đã làm được album.
Nhưng mặt trái lớn nhất là tôi đã thu rất nhiều ca khúc không phải của nhạc sĩ, mà của những người bình thường viết làm kỷ niệm. Lúc đó vì hát ban đêm không đủ, mà làm album không phải ít tiền, nên đó cũng là cách để tôi kiếm thêm. Lúc đầu thỏa thuận thu để người ta làm kỷ niệm, nhưng không hiểu sao trước đó, và cả bây giờ, bài hát lại có trên Internet. Có một số bài nghe được, nhưng nhiều bài nghe rất tệ, vì chất lượng dở, mà lại thu ẩu, thường một tiếng thu xong một bài.
Ca sĩ Nguyên Thảo. Ảnh: Thanh Niên.
– Album “Suối và cỏ” đã giúp chị từ một ca sĩ lẩn khuất ở các phòng trà trở thành sự lựa chọn trong nhiều chương trình lớn. Bản thân chị đánh giá thế nào về thành công này?
– Tôi quan niệm, điều quan trọng đối với một ca sĩ là phải chọn được con đường đi đúng đắn và phù hợp. Hát tốt, êkíp tốt, sự may mắn là những yếu tố phải đi chung với nhau. Trong Suối và cỏ, tôi đã được đứng bên cạnh một êkíp tốt, đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ Anh Quân. Hiện nay, trên thị trường cũng có nhiều album tốt, nhưng một số album báo chí chưa nghe qua, còn tôi may mắn nhận được sự quan tâm của báo chí. Có thể nói, báo chí đã hỗ trợ tôi nhiều nhất trong phần quảng bá, giới thiệu album.
– Ca sĩ hát có cảm xúc hay không còn do đời sống nội tâm. Vậy sự thiếu vắng người mẹ trong cuộc sống có ảnh hưởng thế nào đến cách hát và cách sống của chị?
– Tôi nghĩ mình là người sống duy tâm, nên có thể ảnh hưởng. Mẹ mất khi tôi 7 tuổi, có thể lúc đó tôi chẳng biết gì, chỉ biết mình mất mát cái gì đó không rõ ràng. Tôi nghĩ, và mọi người cũng nói thời gian sẽ nguôi ngoai. Nhưng không đúng như vậy. Thời gian càng dài tôi càng bị đau đớn, dằn vặt. Tôi thấy mình sống với ký ức nhiều hơn.
– Ngày hôm qua – tuổi thơ – của chị là gì?
– Cũng bình thường. Tôi coi sự mất mát của mình là không mất đi, tôi cảm giác nó chỉ ngủ. Ngay cả bây giờ, tôi chưa quen mình mất mẹ. Có thể nhiều người nghĩ có mẹ thì tốt, không có cũng chẳng sao, nhưng khi không có mới cảm nhận được nó quan trọng như thế nào. Đối với tôi, không có mẹ là sự mất mát lớn nhất, sự tổn thương lớn nhất, lớn hơn bất kỳ thứ gì ở trên đời, nên tôi nghĩ đó không phải là điều mình bị mất đi, mà chỉ là một giấc ngủ dài. Tôi không thể diễn tả cụ thể được, chỉ biết rằng mình đang ao ước điều gì đó không thể chạm tới, khao khát điều không đáp ứng nổi, kể cả tình yêu nam nữ cũng không thể bù đắp. Vì thế lúc nào tôi cũng cảm thấy trống vắng…
– Không có tình cảm của mẹ, chị sẽ cần tình yêu nhiều hơn, không thay thế được, nhưng ít nhất cũng bù đắp được. Chị có thể chia sẻ một chút về điều này?
– Cũng không cần phải bù đắp đâu. Bởi tôi nghĩ những thứ mình không có thì không nên bắt người khác phải đưa nó cho mình. Ai thương yêu mình thì chăm sóc cho mình, đó là niềm vui của người bình thường, và tôi muốn điều bình thường như thế. Chỉ cần thế là đủ, chứ không cần bù đắp. Đối với tôi, cuộc sống ổn định là tốt rồi. Vui quá hay buồn quá đều không tốt. Vui quá mình dễ trở thành người hời hợt, còn buồn quá sẽ làm mình rớt xuống.
– Nếu quy ra một con số thì giá trị của chị ngày hôm nay, bao nhiêu phần trăm là năng lực, sức lao động của chị và bao nhiêu phần trăm là ảnh hưởng từ tên tuổi và sự hỗ trợ của nhạc sĩ Dương Thụ?
– Tôi đã cố gắng hết mình, và chú Dương Thụ đã giúp đỡ tôi rất nhiều, nên tôi không thể nói người nào bao nhiêu phần trăm. Sự cố gắng của tôi thể hiện ở chỗ trước đó tôi đã đi hát miệt mài để có tiền làm album. Tôi phải đầu tư trang phục, phải chịu những gièm pha về cách ăn mặc. Tôi cố gắng học nhạc, nghe nhạc nhiều hơn để học hỏi, lắng nghe chú Thụ nhiều hơn để rút kinh nghiệm, lắng nghe người ta chê để xem lại mình.
Cũng không thể phủ nhận tên của nhạc sĩ Dương Thụ phần nào đã tạo được niềm tin cho giọng hát của tôi. Lâu nay người ta tin nhạc của Dương Thụ là nhạc hay, nên sẽ nghĩ ca sĩ nào đó hát nhạc Dương Thụ thì có thể ca sĩ đó hát tốt. Hay nhiều người biết Anh Quân là nhạc sĩ phối khí hay, khi người ta nhìn đĩa đó, chưa biết Nguyên Thảo là ai, nhưng nhìn tên nhạc sĩ Dương Thụ, và phối khí là nhạc sĩ Anh Quân, người ta mua đĩa trước, đó cũng là lợi thế cho tôi.
– Sao trong rất nhiều nhạc sĩ, chị lại lựa chọn nhạc sĩ Dương Thụ – một người mà sự khó tính, kỹ tính và khắt khe đã trở thành… thương hiệu?
– Khi tôi mới tới, chú Thụ cũng rất khó gần. Tôi cảm thấy chú không tin tôi. Tôi kể mình muốn làm một album không phải cần bán nhiều, mà chỉ cần làm một album tử tế theo dòng nhạc tôi muốn. Tôi làm demo bài Nghe mưa cho chú nghe trước. Nghe xong chú mới nhận lời giúp tôi.
Còn tôi lựa chọn nhạc Dương Thụ bởi tôi quá ấn tượng với chương trình Nghe mưa ở Đà Lạt. Lúc đó Nghe mưa đang xuyên Việt. Đêm ấy chị Mỹ Linh hát bài Nghe mưa, tôi quá thích, nên tìm một số bài của chú Thụ để nghe. Và tôi tìm thấy mình trong đó nhiều hơn ở những ca khúc khác.
Nếu hát nhạc Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn, tôi thấy mình kể lại nhiều hơn là hát về chính mình. Hôm rồi tôi thu bài Chỉ chừng đó thôi của nhạc sĩ Phạm Duy: chỉ chừng một năm thôi, mọi thứ sẽ quên hết, sẽ trôi đi – tôi cảm thấy mong manh lắm, mà con người của tôi không như vậy, nên tôi không cảm nhận được. Tôi chỉ có thể đứng ở vị trí người kể lại câu chuyện đó. Nhưng trong nhạc Dương Thụ, tôi thấy mình trong những câu hát. Đó là tuổi thơ, là những khao khát, ước mơ… dù không hoàn toàn cả bài hát mà chỉ lấp ló đâu đó.
– Theo chị, khi nào là thời điểm thích hợp để cái tên Nguyên Thảo không bị “đóng băng” sớm?
– Tôi là người cương quyết, nên sẽ theo con đường mình chọn, chứ không phải nay chọn dòng nhạc này, mai chọn nhạc thị trường cho dễ hơn. Còn đối với tôi, một năm hay 3 năm ra album cũng không sao, miễn là album đó tốt, chứ không áp lực phải ra album đều đặn. Cái đích của tôi không phải là một Diva hay ngôi sao, mà chỉ là hát đúng thể loại mình thích, chỉ cần có khán giả là được. Tôi cũng thích là người phụ nữ thành đạt, nhưng thành đạt cũng có nhiều nghĩa. Mục tiêu của tôi đạt được cũng chính là sự thành đạt.
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)
Số lần đọc: 2832